Các nhà khoa học đã tìm ra lý do khiến nhiều người luôn cho mình giỏi hơn người khác ở một khía cạnh nào đó trong cuộc sống...
Mọi người trên Trái đất đều có khả năng
nhất định, điều này làm nên nét riêng của mỗi cá nhân. Có người mạnh về
thể chất, nhưng khả năng nhìn nhận sự việc lại chưa thực sự tốt. Người
khác mang trên mình một sự tập trung cao, chăm chỉ, nhưng lại kém nhiệt
huyết.
Tuy nhiên, hầu hết trong chúng ta đều
không nghĩ thế. Chúng ta cho rằng, ở tất cả mọi lĩnh vực, mình có thể
không đứng nhất nhưng chắc chắn giỏi hơn nhiều người. Hội chứng này được
khoa học gọi là “ảo giác ưu thế”- the illusion of superiority, hay có thể gọi vui là “ảo tưởng sức mạnh”. Hãy cùng khám phá hiện tượng này thông qua thông tin từ trang Io9 dưới đây.
1. Tâm niệm bản thân luôn tài năng
Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành một
cuộc thử nghiệm nhỏ, trong đó, họ yêu cầu những người lái xe tự đánh giá
khả năng của mình và so sánh với người đồng nghiệp. Kết quả là 93% số
người được hỏi tự tin trả lời “kỹ năng của tôi cực tốt, tốt hơn đồng nghiệp và đương nhiên vượt mức trung bình”.
Tuy vậy, kết quả “trên mức trung bình, cực tốt” này chưa thực sự chính xác bởi nó không dựa vào tiêu chuẩn nào mà chỉ đơn giản là so sánh bản thân với người khác.
Một cuộc khảo sát với 20 nhân viên công
ty phần mềm máy tính cũng đưa ra kết quả tương tự, 1/3 số người được hỏi
nói rằng, trình độ của họ hơn tất cả và chỉ thua một người.
Kết quả của những cuộc khảo sát này chỉ ra, con người ta không nghĩ mình “đỉnh nhất”, nhưng luôn có xu hướng cho rằng, mình thuộc “top trên”. Và với việc thuộc “top trên” trong tất cả lĩnh vực sẽ khiến ta tự huyễn hoặc bản thân mình trở nên khác biệt và tài năng.
2. Con người có (hoặc ảo tưởng có) một trái tim thuần khiết
Trước khi đọc phần này, hãy thử trả lời câu hỏi: Cuốn sách “thực sự hay” gần nhất bạn đọc là gì? Và lý do khiến bạn đọc nó?
Hầu hết mọi người sẽ trả lời “Tôi thích đọc sách”, hoặc “Vì tôi thích tác giả này”, hay “Tôi muốn tìm hiểu thêm”…
Tuy nhiên, cũng vấn đề này, những nhà nghiên cứu yêu cầu tình nguyện
viên dự đoán lý do khiến một người lạ đọc sách thì kết quả thường là
những điều không được đánh giá cao như “theo thị hiếu”, “sắp có phim dựa theo tác phẩm này”…
Hội chứng này được gọi là “thiên vị động cơ ngoại sinh” - extrinsic incentives bias. Đây là hội chứng con người ta quy kết “động lực” của người khác là do bên ngoài tác động, thay vì động cơ có sẵn bên trong.
Một nghiên cứu đã chứng minh, con người
thường tự nghĩ những gì mình làm đều xuất phát từ bản thân. Ví dụ như
khi đọc một cuốn sách, đó là do bản thân “ham học hỏi”, hay làm việc hăng say xuất phát từ lòng đam mê.
Có thể những lý do này là đúng, nhưng
bên cạnh đó, con người ta cũng hạ thấp mục tiêu và động lực của những
người xung quanh. Họ cho rằng, người khác làm việc vì lương cao, đọc
sách theo thị hiếu… hoặc nếu có làm tốt thì cũng là do hoàn cảnh bên
ngoài giúp sức. Với ý nghĩ như vậy thì hiển nhiên, mọi người đều cho
mình là “người đặc biệt” và có tài hơn người.
3. Bản năng của con người
Các nhà khoa học đặt ra câu hỏi rằng,
liệu chúng ta có chấp nhận thay đổi khi nhận ra việc mình luôn huyễn
hoặc, ảo tưởng cho mình là nhất, tự thuyết phục bản thân mình làm việc
tốt hơn người khác?
Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học
khẳng định, sự thay đổi này dường như là không thể bởi con người dù ít
nhiều cũng luôn tự tin vào bản thân.
Chúng ta khó có thể thay đổi khi
nghĩ mình chỉ thuộc nhóm dưới, luôn thuộc hàng thấp kém. Cùng với đó,
hiện tượng “ảo giác về sự hiểu biết bất cân xứng” - the illusion of asymmetric insight hiện hữu trong mỗi chúng ta.
Hiện tượng này cho rằng, chúng ta có thể
nhận ra sự ảo tưởng về kỹ năng, giá trị của người xung quanh nhưng với
bản thân thì luôn chối bỏ. Con người có xu hướng không tự thừa nhận mình
vô tâm, lười biếng, xấu tính hoặc ít ra "không phải kẻ xấu tính, vô tâm
lười biếng nhất" mà còn rất nhiều người khác lười hơn mình.
Và thậm
chí, có những người chỉ luôn cho rằng mình đúng, còn những người khác
thì sai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét