Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

4 công nghệ thực phẩm kỳ quặc nhất hành tinh

Cơ quan Vũ trụ châu Âu muốn chế tạo hệ thống máy móc có khả năng biến phân và nước tiểu thành thức ăn, còn một đầu bếp Canada sáng chế thiết bị cho phép con người hít thực phẩm.

Hấp thụ thức ăn qua da 

Giới y khoa đang sử dụng miếng dán để đưa một số loại thuốc vào cơ thể qua da. Nhưng mới đây các nhà khoa học thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ muốn nâng việc sử dụng miếng dán lên một tầm cao mới với Hệ thống đưa dưỡng chất vào cơ thể qua da (tên tiếng Anh viết tắt của nó là TDNDS).

 Miếng dán thức ăn đó chứa những dưỡng chất cần thiết đối với binh sĩ trong vùng chiến sự. Một bộ vi xử lý trong miếng dán tính toán yêu cầu dinh dưỡng của binh sĩ và tiết ra những dưỡng chất tương ứng. 

Mặc dù miếng dán thức ăn không thể thay thế thực phẩm, song các quan chức Mỹ hy vọng nó sẽ giúp các binh sĩ hoạt động bình thường nếu họ phải nhịn đói lâu.

 Các nhà khoa học dự đoán miếng dán thực phẩm sẽ xuất hiện trên chiến trường vào năm 2025. Tiến sĩ C. Patrick Dunne, một nhà khoa học của Bộ Quốc phòng Mỹ, tin rằng miếng dán thực phẩm cũng sẽ hữu ích đối với những dân thực hiện những công việc áp lực cao – như thợ mỏ và phi hành gia.

Đưa hạt giống lên vũ trụ
 
Từ thập niên 80, Trung Quốc đã đưa hạt giống lên vũ trụ và các nhà khoa học của họ từng công bố nhiều thành tựu đáng ngạc nhiên. Theo họ, những hạt giống đó tăng trưởng nhanh hơn và đạt năng suất cao hơn so với những hạt cùng loại trên trái đất

Giáo sư Liu Luxiang, người chỉ đạo chương trình đưa hạt giống lên vũ trụ của Trung Quốc, nói rằng chương trình đã tạo ra những hạt khỏe hơn. Hiện nay người ta đã sử dụng những hạt đó trên cả nước.
Mặc dù không ai có thể kiểm chứng những tuyên bố của giới khoa học Trung Quốc về chương trình đưa hạt giống lên vũ trụ, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vẫn muốn đạt được thành tựu tương tự.  Giáo sư Liu đã xuất bản hai cuốn sách về chương trình. 

Nhiều tạp chí khoa học uy tín đã đánh giá hai tác phẩm của ông. Với hai cuốn sách đó, Liu hy vọng giới khoa học phương Tây sẽ công nhận những thành quả của Trung Quốc trong nỗ lực đưa hạt ra ngoài trái đất. 

Tái chế phân người thành thực phẩm

Vào năm 2009, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) thông báo rằng họ sẽ tạo ra một hệ thống cho phép con người sống trong vũ trụ hoặc trên các hành tinh khác. Động thái này diễn ra sau khi Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phát triển một hệ thống có khả năng biến nước tiểu của người thành nước sạch để phi hành gia uống trên Trạm Không gian Quốc tế. 


Micro-Ecological Life Support System Alternative (MELiSSA), tên của hệ thống mà ESA muốn chế tạo, tiên tiến và phức tạp hơn nhiều so với hệ thống của NASA. Nó có thể tái chế mọi thành phần của phân, nước tiểu người thành khí oxy, thức ăn và nước. Nhà máy MELiSSA đầu tiên ra đời vào năm 1995. Các nhà nghiên cứu dự đoán nhà máy thứ hai sẽ hoạt động vào năm 2014.

Thực phẩm mà con người có thể hít
 
Số lượng người hít thức ăn bắt đầu tăng từ năm 2012, khi David Edwards, một giáo sư của Đại học Harvard tại Mỹ, phát minh một thiết bị mang tên Le Whif. Thiết bị này phun ra loại chocolate sẫm mà người sử dụng có thể hít.

 Le Whif nhanh chóng trở thành sản phẩm hấp dẫn đối với những người ăn kiêng tại châu Âu. Họ nói rằng nó giúp họ giảm mức độ thèm ăn. Sau đó Le Whif trở nên nổi tiếng tại Bắc Mỹ, nơi Norman Aitken, một đầu bếp Canada, cải tiến thiết bị để tạo ra sản phẩm Le Whaf. 

Trên thực tế, Le Whaf là một chiếc bình với thiết bị phát sóng siêu âm ở bên dưới. Thức ăn, thường là súp, nằm bên trong bình. Sóng siêu âm sẽ “đánh” thức ăn tới khi nó biến thành một dạng vật chất giống như mây. Đến thời điểm ấy, người sử dụng sẽ dùng một ống để hít thức ăn. Một người từng hít thức ăn từ Le Whaf mô tả cảm giác là “cảm nhận vị khi thức ăn không tồn tại trong miệng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét