Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

10 thói quen làm hại đôi mắt bạn

Nhiều người không nhận ra rằng một số các hoạt động mà họ đang làm hàng ngày có thể làm tổn thương chính đôi mắt của mình.
 
Để bảo vệ sức khỏe của mắt, tránh lão hóa mắt quá sớm hoặc suy giảm thị lực, phòng ngừa các bệnh về mắt... bạn hãy chú ý tránh các thói quen sau đây nhé. 

1. Ăn uống thiếu chất 


Các vitamin, khoáng chất và axit béo cần thiết cho sức khỏe, nhất là cho đôi mắt của bạn. Nếu bạn ăn kiêng quá mức, cơ thể bạn có thể bị thiếu chất trầm trọng, từ đó ảnh hưởng đến thị lực của bạn. 

Một chế độ ăn uống giàu rau lá xanh, củ quả nhiều màu sắc và các loại cá... có thể giúp ngăn ngừa hoặc kiểm soát nhiều bệnh về mắt liên quan đến tuổi tác. 

Vitamin E, vitamin C và vitamin A trong các loại rau tươi, trái cây có thể giúp ngăn ngừa các bệnh về mắt hoặc nếp nhăn quanh mắt.

2. Thiếu ngủ
 
Thức khuya chắc chắn không có lợi cho đôi mắt của bạn vì cũng như cơ thể, đôi mắt bạn cần được nghỉ ngơi đầy đủ. Ngủ không đủ giấc có thể làm tăng tốc độ lão hóa của mắt.

 Ngoài các ảnh hưởng dễ thấy ngay như mắt đỏ ngầu, lờ đờ, thiếu ngủ còn có thể gây ra các quầng thâm quanh mắt, mắt co giật hoặc thị lực giảm (nhìn mờ đi). 



3. Uống không đủ nước
 
Không uống đủ nước có thể làm cho cơ thể bị mất nước và dẫn đến không sản xuất đủ nước mắt để giữ được độ ẩm cho đôi mắt của bạn. Các triệu chứng liên quan đến mắt xuất hiện khi cơ thể thiếu nước bao gồm khô mắt. mắt tấy đỏ hoặc sưng húp... 

4. Không đeo kính râm
 
Tiếp xúc với ánh mặt trời quá nhiều cũng có thể gây hại cho thị lực và sức khỏe của mắt. Các tia UV trong ánh mặt trời chính là nguyên nhân khiến cho mắt nhanh bị lão hóa, tăng nguy cơ ung thư da quanh mắt và các bệnh khác như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng...

 Vì vậy, tốt nhất bạn nên đeo kính râm chống tia UV để bảo vệ mắt mỗi khi ra ngoài trời, kể cả trong những ngày u ám. 

5. Sử dụng các thiết bị điện tử liên tục
 
Ngày nay, các thiết bị điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây hại cho mắt. Mắt tập trung vào màn hình các thiết bị điện tử này quá lâu có thể ảnh hưởng đến khả năng bôi trơn của dịch nước mắt, dẫn đến khô mắt. 

sức khỏe của mắt, cận thị, suy giảm sức khỏe, thị lực, thói quen có hại, võng mạc, tình trạng, kính áp tròng, giảm thị lực, gây hại


6. Không giữ ổn định huyết áp
 
Tình trạng huyết áp ổn định là rất quan trọng với sức khỏe của bạn, đặc biệt là sức khỏe của mắt. Bạn cần kiểm soát được huyết áp của mình, tránh tình trạng huyết áp cao. 

Huyết áp cao có thể gây ảnh hưởng xấu đến các mạch máu ở võng mạc, gây ra những biến đổi bệnh lý ở võng mạc làm giảm thị lực nghiêm trọng. 

7. Uống nhiều rượu
 
Uống nhiều rượu không bao giờ được coi là có lợi cho sức khỏe, kể cả sức khỏe của mắt. Lượng cồn trong rượu khi vào cơ thể quá nhiều có thể làm cho bạn đau đầu, mệt mỏi, mắt đỏ ngầu... Ngoài ra, uống nhiều rượu có thể gây ngộ độc, tác động đến dây thần kinh thị giác gây giảm thị lực nhanh chóng. 

8. Vừa đọc vừa ngủ gật
 
Sự gián đoạn trong khi đọc sách này có thể làm cho khoảng cách giữa mắt và sách thay đổi, gây ra những ảnh hưởng không tốt cho mắt. Khoảng cách lý tưởng từ mắt đến sách là 30cm. Nếu mắt bị buộc phải tập trung vào nhìn những dòng chữ trong sách ở khoảng cách dưới 30cm thì nó sẽ làm cho mắt nhanh bị mệt mỏi và giảm thị lực, có thể dẫn đến cận thị. 
 
sức khỏe của mắt, cận thị, suy giảm sức khỏe, thị lực, thói quen có hại, võng mạc, tình trạng, kính áp tròng, giảm thị lực, gây hại


9. Sử dụng kính áp tròng không đúng cách 


Nhiều người có thói quen dùng kính áp tròng thay cho các loại kính thông thường khác nhưng nếu bạn không biết cách giữ vệ sinh hoặc không tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi dùng loại kính này thì có thể gây hại cho mắt nhiều hơn. Dùng kính áp tròng sai cách có thể làm kích ứng mắt gây dị ứng hoặc giảm thị lực của mắt. 

10. Không đi khám bác sĩ
 
Khám mắt thường xuyên có thể sớm phát hiện các vấn đề về thị lực hoặc các bệnh về mắt... trước khi bệnh nặng thêm. Nếu bạn chần chừ, bệnh diễn biến trở nặng sẽ gây khó khăn trong việc điều trị. 

Theo Pháp luật & Xã hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét