Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Tiêu chảy, triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm


 Nhiều người hễ bị tiêu chảy là tự ý đi mua thuốc rối loạn tiêu hóa sử dụng, trong khi đó, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tiêu chảy.

BS Hồ Thanh Bình - Phó Khoa Nội tổng quát, BV Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, tiêu chảy là kết quả của sự rối loạn các quá trình tiết dịch, co bóp, tiêu hóa và hấp thụ. Trước tiên, tiêu chảy được chia ra hai dạng cấp tính và mạn tính
.
Ở thể cấp tính, tình trạng tiêu chảy sẽ diễn ra trong vài ngày. Bệnh nhân bị đi tiêu nhiều lần trong ngày, nôn ói, sốt, mất nước, tụt huyết áp, lơ mơ, trụy tim mạch và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Một trong những nguyên nhân gây ra tiêu chảy ở thể cấp tính hay gặp chính là nhiễm trùng do vi trùng (tả, lỵ, thương hàn...), vi rút (cảm cúm, Rotavirus, Enterovirus), ký sinh trùng, nấm đường ruột (nấm Candida).

"Nếu bị tiêu chảy do vi trùng, phải điều trị bằng kháng sinh, còn do vi rút thì thường BS chỉ định điều trị triệu chứng. Những bệnh nhân bị tiêu chảy do vi rút thường sẽ tự khỏi sau bảy - mười ngày. Các trường hợp do ký sinh trùng, nhiễm nấm phải có thuốc đặc hiệu", BS Bình nói.

Khách du lịch là đối tượng rất dễ bị tiêu chảy cấp, do sự thay đổi vi khuẩn thường trú trong ruột vì ăn những thức ăn lạ.
Một nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng tiêu chảy là do sử dụng thuốc: sau khi dùng kháng sinh, thuốc nhuận tràng, chống động kinh (topamax), thuốc điều trị bệnh tiểu đường...

Tiêu chảy mạn tính dễ bị bỏ qua và khó tìm nguyên nhân hơn. Không đe dọa tính mạng trực tiếp, nhưng bệnh nhân bị tiêu chảy mạn tính sẽ bị suy kiệt thể trạng.


Tieu chay, trieu chung cua nhieu benh ly nguy hiem


Một trong các nguyên nhân gây ra tiêu chảy mạn tính là bệnh viêm loét đại tràng. Người bị viêm loét đại tràng mạn tính không chỉ hay bị tiêu chảy mà còn kèm theo triệu chứng toàn thân như sụt cân, chán ăn, viêm khớp.

Ở Việt Nam, những bệnh nhân bị viêm loét đại tràng thường là do lỵ amip. Để chẩn đoán, bệnh nhân phải được soi phân đúng kỹ thuật, nội soi đường ruột tìm các vết sang thương, loét điển hình, xét nghiệm máu, huyết thanh…

Tiêu chảy mạn tính còn xảy ra ở những người bị ung thư đường ruột, chính vì thế, cần hết sức cảnh giác. Việc đi vệ sinh đột nhiên không đều đặn, lúc táo bón, lúc tiêu chảy, hoặc một trong hai biểu hiện trên kéo dài nhiều ngày được gọi là rối loạn thói quen đại tiện.


Tình trạng này có thể do nhiễm khuẩn đường ruột hoặc cơ thể thiếu chất xơ để bài tiết, nhưng nếu dùng thuốc nhiều ngày vẫn không khỏi, tiến triển bệnh ngày một trầm trọng hơn, kèm biểu hiện đau bụng từng cơn thì nó có thể là dấu hiệu của một khối u đang lớn dần.

Các bệnh nhân ung thư trực tràng thời kỳ cuối còn thấy hậu môn trực tràng sa xuống, số lần đại tiện tăng, khi táo bón, khi tiêu chảy, phân lẫn máu.

Một trong các dạng rất nguy hiểm là tình trạng tiêu chảy mạn tính phân mỡ. Bệnh tiêu chảy phân mỡ hay bệnh ruột nhạy cảm gluten (một loại protein có trong lúa mì, đại mạch, lúa mạch đen) là tình trạng phản ứng miễn dịch quá mức với gluten trong thức ăn.

Dấu hiệu nhận biết là đầy bụng, tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi, táo bón, loét miệng, đau đầu, sụt cân, rụng tóc, các vấn đề về da, trầm cảm, vô sinh, sẩy thai nhiều lần và đau xương khớp, trướng bụng, chán ăn, gầy sút; phân nhiều, nhão, có màu xám, bóng và nhiều nước.

Để điều trị bệnh tiêu chảy phân mỡ, chỉ cần loại bỏ hoặc không ăn những thức ăn chứa chất gluten. Bệnh phát hiện chậm trễ sẽ gây ra các hậu quả nguy hiểm như u lympho ruột, vô sinh…

Ngoài ra, các trường hợp mắc bệnh suy giảm miễn dịch cũng dẫn đến tiêu chảy mạn tính.

Để phòng tránh tiêu chảy, cần thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch bằng xà phòng, không ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém tươi. Nếu thấy bị tiêu chảy kèm theo sốt, tụt huyết áp, phân có máu, bóng mỡ, tay chân lạnh thì không được tự ý chữa trị mà phải tới bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét