Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Facebook có làm bạn stress?


Với lượng người dùng thường xuyên lên tới con số hàng trăm triệu trên khắp thế giới, liệu Facebook có thật sự tốt cho sức khỏe tâm lý của tất cả mọi người?
 

Vấn đề bài viết muốn đề cập không nằm ở bản thân Facebook, vốn chỉ là công cụ giao tiếp xã hội do con người chế tạo ra, mà nằm trong danh sách bạn bè của người dùng mạng xã hội này.



Thật vậy, một số người than phiền nguồn cơn stress của họ đang được gây ra bởi bạn bè trên Facebook, và mức độ căng thẳng này sẽ gia tăng tỉ lệ thuận với số lượng bạn bè họ sở hữu.



Theo nghiên cứu mới nhất của Đại học Edinburgh Business School, bạn càng có nhiều “bạn bè” (lưu ý dấu nháy) trên Facebook bao nhiêu, nguy cơ bị stress sẽ tăng lên bấy nhiêu.



Bản báo cáo cơ bản phân tích việc có trong tay một mạng lưới Facebook rộng lớn sẽ khiến thân chủ có thêm nguy cơ làm “mích lòng” ít nhất một người bạn trong mạng lưới đó. Chính trạng thái tâm lý “sống trong sợ hãi” này đã gây ra stress cho người dùng.



Thật vậy, trung bình cứ 300 cá nhân tham gia cuộc nghiên cứu, thì có một người thú nhận “việc kết bạn với lãnh đạo nơi làm việc hoặc cha mẹ khiến gia tăng nỗi lo âu, bồn chồn”.


Tại sao lại có “cơ sự” này?



Theo tạp chí The Atlantic, đó là nhờ vào tính chất quá phổ quát của Facebook, cho phép mạng xã hội này thay đổi liên tục phạm vi và quyền hạn của nó.



Cụ thể hơn, ông Ben Marder nhấn mạnh vào một đặc tính khá phổ biến trong xã hội: nhiều người trong chúng ta có nhiều cách cư xử khác nhau khi giao tiếp với từng mẫu người trong cộng đồng, chẳng hạn hành vi và lời ăn tiếng nói của một thanh niên với cha mẹ cô/cậu ta không nhất thiết tương đồng với những gì người này thể hiện trước mặt bạn học, thầy cô hay lãnh đạo nơi công sở.





 “Facebook từng giống một bữa tiệc vui dành riêng cho người dùng cùng bạn bè nhảy múa, uống rượu và tán tỉnh nhau. Song từ khi các bậc phụ huynh và sếp cũng tham gia Facebook, bữa tiệc đã biến thành chốn căng thẳng, luôn hiện hữu nguy cơ phá hỏng các mối giao tế xã hội của người dùng” - Ben Marder
 

Tóm lại, bản báo cáo muốn ám chỉ xu hướng “đeo nhiều mặt nạ" của con người khi bước chân khỏi cửa nhà, vốn đã có từ rất lâu trước khi Facebook ra đời. Và sự mâu thuẫn giữa Facebook cùng “bản năng” trên chính là thứ gây ra stress.

 

Đại học Edinburgh cho rằng đây là vấn đề đáng phải lưu tâm. Theo một nghiên cứu khác của Trung tâm nghiên cứu Pew, khoảng 80% các bậc cha mẹ quen với sử dụng các công cụ truyền thông xã hội đã làm bạn với con cái họ trên Facebook, bao gồm cả việc đăng tải bình luận (comment) lên trang Facebook của chúng. Cùng lúc đó, công trình thống kê của trang CareerBuilder phát hiện có đến 37% các chuyên gia tuyển dụng sử dụng mạng xã hội để âm thầm điều tra ứng viên tiềm năng, trong số này có đến 65% dùng Facebook như nguồn tham khảo chính.

Quay lại nghiên cứu của Đại học Edinburgh, chỉ có 1/3 số người dùng Facebook biết tận dụng các chức năng bảo vệ riêng tư có sẵn của mạng xã hội này, vốn kiểm soát được mức độ hiển thị của thông tin đối với người xem theo ý muốn chủ nhân tài khoản. Nghiên cứu cũng cho thấy trung bình người dùng Facebook thường kết bạn với 7 hình mẫu “vòng tròn xã hội” (social circle) khác nhau.

Nhóm phổ biến nhất là các bạn bè quen biết trong môi trường ngoài trời (97% người dùng Facebook kết bạn trực tuyến với nhóm này), kế đến là họ hàng (81%), anh chị em họ (80%), bạn của bạn (69%) và đồng nghiệp (65%). Tất cả nhóm này đều rất khác nhau về mặt tính chất xã hội, vậy mà tất cả họ giờ đây đều đang cùng hiện diện trên Facebook, và được định hướng bởi một nhân dạng người dùng duy nhất: bạn.

Facebook muốn chúng ta, và trên thực tế, bắt ép chúng ta phải tổ chức cuộc sống trên Internet của bản thân theo lối tích hợp vào từng nhân dạng cụ thể, vốn là dữ liệu có thể bị thu hoạch, truyền tải, bán và phân tích.

Tuy nhiên, chúng ta - với tư cách là chủ thể trong một xã hội, nền văn hóa và cộng đồng lại luôn sở hữu xu hướng bắt nhân dạng của bản thân trở về đúng với bản chất trong thuở hồng hoang của bất cứ xã hội nào: tính đa dạng và phụ thuộc vào môi trường xung quanh.

Vì lẽ đó, sự xung đột giữa hai nhân dạng “ảo” và “thật” của nhân loại không sớm thì muộn cũng sẽ dẫn đến xung đột, để rồi sau đó sẽ… trở nên dung hòa với nhau khi Facebook đáp ứng được các kỳ vọng của người dùng và ngược lại.

Trong khi chờ đợi, chính chúng ta, chứ không ai khác, đang phải gánh chịu những áp lực của sự mâu thuẫn nói trên và đây chính là nguồn cơn chủ đạo dẫn đến stress nơi người dùng Facebook.

 

Người dịch bài này đã xóa vĩnh viễn trang Facebook của bản thân được hơn một năm nay, chủ yếu do không kham nổi những yếu tố gây stress mà mạng xã hội lớn nhất hành tinh mang lại.

Còn bạn thì sao? Facebook đã bao giờ làm bạn phải nghĩ đến chuyện tránh xa chưa?



Theo TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét