Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Bạn biết gì về ung thư tuyến nước bọt?


Tuyến nước bọt (TNB) có chức năng tạo nước bọt, nhằm hỗ trợ cho việc tiêu hóa và giữ ẩm vùng miệng. Dù ít xảy ra nhưng ung thư TNB có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Vị trí thường gặp của ung thư TNB là ở mang tai, dưới lưỡi, dưới hàm, trên môi.

Khó chẩn đoán

Theo TS-BS Trần Thanh Phương-Trưởng khoa Ngoại 3, BV Ung Bướu TP.HCM, rất khó để có thể nhận biết được u TNB, bởi triệu chứng bệnh rất mơ hồ, ban đầu chỉ có thể là một khối u rất nhỏ nổi lên bất thường trên mang tai hoặc dưới hàm. Khi ấn vào có cảm nhận đây là khối tròn, chắc hoặc cứng và di động khi sờ vào, không đau, không nhức nên mọi người thường chủ quan cho qua. 


Đến khi khối u này tiến triển lớn, gây đau nhức tại chỗ, nuốt khó, khàn tiếng… thì bệnh đã nặng và sức “công phá” của khối u TNB - dù là lành tính hay ác tính - đều dữ dội: bị chảy máu do hạch vỡ, hay biến dạng khuôn mặt, làm liệt cơ mặt…

Tổ chức TNB phân bố rộng rãi: TNB mang tai, TNB dưới hàm, TNB dưới lưỡi và một số những TNB phụ như ở cổ, miệng hoặc cổ họng. Sự phân bố rải rác của các bướu TNB gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh. Khi phát hiện khối u ác tính thì việc điều trị rất khó khăn, do vị trí của những khối u ác tính khá hiểm hóc.

Phẫu thuật là lựa chọn tối ưu

Do các triệu chứng lâm sàng ít đặc hiệu, nên ngoài các triệu chứng trên, u TNB có thể được phát hiện thông qua các phương pháp: chụp ống tuyến nước bọt, siêu âm, chụp cắt lớp và cộng hưởng từ.


Theo TS-BS Trần Thanh Phương: phẫu thuật là lựa chọn tối ưu khi phát hiện có u TNB. Do biểu hiện lành, ác của bướu TNB đều là một khối tròn giống nhau nên khi điều trị, bác sĩ sẽ cắt rộng khối bướu với trường hợp TNB phụ. Còn với TNB chính, tùy theo loại, tùy theo mức độ ung thư mà cắt rộng, cắt thùy nông hoặc cắt toàn bộ tuyến (với tuyến mang tai) kèm nạo hạch cổ. 


Tuyến dưới hàm, dưới lưỡi thì sẽ cắt rộng lưỡi hoặc nạo vét vùng dưới hàm. Trong đó, bảo tồn dây thần kinh mặt là nguyên tắc cần được tuân thủ cao trong phẫu thuật.

Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân phụ thuộc phần lớn vào chỉ định điều trị và kinh nghiệm của phẫu thuật viên, nên với những ca u TNB, thầy thuốc luôn có sự cân nhắc và trao đổi kỹ với bệnh nhân về tất cả những tình huống có thể xảy ra, bởi nguy cơ bệnh nhân phải chịu liệt dây mặt là có thể xảy ra. Thậm chí, sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ bị giảm một phần nước bọt, dễ tái phát, nếu mổ không đủ rộng.

Phòng ngừa được không?

Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh mà chỉ biết rằng ung thư TNB xảy ra khi một số tế bào trong TNB phát triển đột biến. Khi bị đột biến, các tế bào phát triển và phân chia nhanh chóng. Các tế bào đột biến tích tụ thành một khối u có thể xâm nhập vào mô lân cận. Các tế bào ung thư có thể vỡ và di căn tới các vùng xa của cơ thể.


U TNB có thể gặp ở trẻ em lẫn người lớn. Với trẻ em chủ yếu là u lành tính, còn người lớn thì ngược lại, tỷ lệ ác tính khá cao. Do vậy, biện pháp phòng ngừa quan trọng là đề cao cảnh giác với những dấu hiệu bất thường để tìm đến bác sĩ kịp thời.


Những người làm việc trong môi trường phơi nhiễm bức xạ, những người thường xuyên tiếp xúc với các chất như niken, bụi silica… rất dễ bị ung thư TNB. Vì vậy, những người có nguy cơ cao, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ tại các bệnh viện có chuyên khoa ung bướu nhằm phát hiện sớm u TNB.

Theo Phụ nữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét