Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Liệu sóng Wifi có thực sự nguy hại tới sức khỏe?


Có một thực tế là ngày nay người ta thường “dị ứng” với các loại sóng vô tuyến, và thường “gán” cho nó những tác dụng rất khủng khiếp như gây vô sinh, gây ung thư, rồi ảnh hưởng tới thai nhi trong quá trình phát triển,…

Một trong những mối lo lớn nhất của người dùng các thiết bị di động hiện nay, đó chính là sóng Wifi. Với sự phổ biến của công nghệ này, sóng Wifi xuất hiện ở mọi nơi, từ công sở, tới các quán cà phê, và đa phần các hộ gia đình cũng trang bị các router có khả năng phát sóng mạng không dây. 

Từ sáng đến tối, chúng ta đều tiếp xúc với sóng Wifi, và nếu có những lo ngại về sự nguy hại đến sức khỏe của nó là hoàn toàn dễ hiểu.



Wifi đang xuất hiện ngày càng phổ biến trong cuộc sống của chúng ta


Trong rất nhiều lời đồn mà chúng ta nghe hàng ngày, từ “bức xạ” luôn được nhắc tới đầu tiên nhằm “nhấn mạnh” sự nguy hiểm của sóng Wifi. Nhưng liệu bạn có thực sự hiểu “bức xạ” là gì?

Về lý thuyết, bức xạ điện từ có gây hại?

Chúng ta cần biết, bức xạ điện từ có 2 loại, được chia ra tùy theo tác động của nó tới các vật thể xung quanh. Đó là bức xạ ion hóa, và bức xạ không ion hóa.


Liệu sóng Wifi có thực sự nguy hại tới sức khỏe?

Bức xạ ion hóa và không ion hóa được phân biệt dựa trên tần số

Bức xạ ion hóa sẽ có những tác hại đáng kể cả về mặt vật lý và sinh lý với các vật thể mà nó tiếp xúc, đặc biệt rất nguy hiểm đối với các cơ thể sống. Các ví dụ tiêu biểu là các dạng tia cực tím và tia phóng xạ hạt nhân (trong các vụ thử vũ khí hạt nhân hoặc trong các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân gây ra). 

Các bức xạ này không chỉ gây nên tác dụng nhiệt, nó còn tạo nên sự thay đổi trong cấu trúc các phân tử tạo nên các mô sống. Nó cũng có thể tạo ra sự thay đổi trong cấu trúc ADN, tạo nên những đột biến mà các bộ phim kinh dị thường sử dụng, cũng như là căn nguyên gây ra bệnh ung thư.

Một trong những bức xạ ion hóa phổ biến nhất chính là bức xạ mặt trời. Khi chúng ta phơi nắng lâu dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp mà không có các biện pháp bảo vệ, không chỉ nhiệt độ cơ thể và lớp da cao lên, mà các tia UV trong ánh sáng mặt trời có thể dâm xuyên và tạo nên các tổn hại đặc biệt lên các tế bào biểu bì. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên căn bệnh ung thư da.

Ngược lại, bức xạ không ion hóa chỉ đơn thuần là xuyên qua các vật thể, nhưng không để lại tác hại gì. Đôi khi, với sự tập trung cao, bức xạ này cũng có thể tạo ra những hiệu ứng về nhiệt phục vụ các mục đích đặc biệt.

Tóm lại, về mặt lý thuyết, không hẳn cứ là bức xạ điện từ là có hại!

Wifi có gây hại?

Wifi là một trong những bức xạ không ion hóa. Nó chỉ đơn thuần đâm xuyên qua vật thể chứ không thay đổi cấu trúc phân tử. Tất nhiên, nó có thể gây ra tác động về nhiệt, nhưng tác động đó quá nhỏ khó mà đo đếm được.

Khi nói về bức xạ, chúng ta nói về 2 khái niệm khác, là “tần số” và “cường độ” bức xạ.

Liệu sóng Wifi có thực sự nguy hại tới sức khỏe?

Tần số của sóng Wifi là rất thấp trong thang đo vật lý

Tần số có vai trò quyết định tới mức độ nguy hiểm của bức xạ, nó cũng là thước đo để phân biệt xem bức xạ là ion hóa hay không ion hóa. Xét về mặt vật lý, Wifi cũng như các hình thái thông tin không dây khác đều có tần số rất thấp, khoảng 2.4Ghz (hoặc 5Ghz với các modem đời mới).

Những tần số ion hóa, tức là có tác động tới cơ thể để tạo ra đột biến, ung thư,… phải đạt mức ít nhất 1.000.000 Ghz, tức là gấp khoảng vài trăm ngàn lần tần số mà Wifi sử dụng.

Nếu xét về tiêu chí này, thì ánh sáng thông thường còn có mức độ … nguy hiểm cao hơn cả sóng Wifi, vì nó có phổ trải từ 500.000 tới 750.000 GHz, tức là rất gần mốc bắt đầu có khả năng gây hại cho cơ thể. Đó là lý do mà các tia UV trong ánh sáng mặt trời có thể gây nên bệnh ung thư ở những người ưa thích tắm nắng mà không có phương pháp bảo vệ thích hợp. 

Thế nhưng liệu bạn có muốn ở trong nhà cả ngày để tránh ánh sáng mặt trời, nhằm không bị ung thư không?


Liệu sóng Wifi có thực sự nguy hại tới sức khỏe?

Việc tắm nắng còn nguy hiểm hơn là sử dụng sóng Wifi


Do đó, xét về mặt tần số, sóng Wifi thuộc về loại bức xạ không ion hóa, và nó là an toàn.

Cường độ là một khía cạnh khác cũng rất quan trọng. Ngay cả những bức xạ không ion hóa (về mặt tần số) cũng sẽ vẫn có thể gây ra những thiệt hại đáng kể nếu phát ở cường độ cao và ngược lại, bức xạ ion hóa nếu phát ở cường độ thấp cũng sẽ không gây nhiều thiệt hại. Khi nói về cường độ, người ta sẽ nói về năng lượng mà sóng mang theo.

Các cục phát Wifi thông thường chỉ truyền vào sóng một năng lượng khoảng 200mW (0.2W). Và vì năng lượng của sóng bị suy hao khi đi xa, nên khi tới với cơ thể người, nó cũng sẽ không còn nhiều năng lượng. Theo định luật vật lý, năng lượng tỉ lệ nghịch với khoảng cách.

 Do đó, nếu như bạn ở cách cục phát Wifi 10m, năng lượng mà cơ thể bạn phải chịu khi sóng đi qua là 200mW/100 = 2mW. Với mức năng lượng này, ngay cả các máy đo phổ nhạy nhất cũng khá khó khăn để phát hiện, và nó không thể gây hại lên cơ thể được.

Một vật dụng phát ra bức xạ không ion hóa là lò vi sóng (tần số giống Wifi, 2.4Ghz) có năng lượng tới 1000W, và lại còn được tập trung cao độ trong không gian của lò với nhiều miếng kim loại phản xạ bức xạ. Lượng bức xạ thoát ra khỏi các tấm chắn hiếm khi vượt quá 1W khi lò hoạt động bình thường, tuy nhiên nếu những năng lượng đó thoát ra được khỏi lớp vỏ bọc thì sao? 

Nó tương đương với công suất trên 1 mét vuông nếu bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trực tiếp! Và nó sẽ gây ung thư nếu bạn đều đặn vài tiếng một ngày tiếp xúc.


Liệu sóng Wifi có thực sự nguy hại tới sức khỏe?

Lò vi sóng có cường độ phát sóng điện từ rất lớn

Tóm lại, xét về cả cường độ và tần số, sóng Wifi từ các cục phát Wifi bình dân không thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe một cách to lớn như nhiều lời đồn bạn từng nghe. Nó còn không có hại bằng việc bạn đi giữa trưa hè mà không mặc áo dài tay! Do đó, hãy yên tâm sử dụng công nghệ vô cùng thuận tiện này.
Techz

1 nhận xét:

  1. sóng wifi có hại hay không còn tùy thuộc vào cách sử dụng của mỗi người, nếu như dùng trong thời gian nhất định và tắt nguồn điện trước khi ngủ thì làm sao mà hại dkd

    Trả lờiXóa